Câu hỏi thường trực khi làm công việc xã hội, cộng đồng là “tiền đâu để làm…”, Vcil Community có thể chia sẻ thêm về tiền bạc, tài chính không?
- VCIL Community
- 29 thg 5
- 16 phút đọc
Khởi đầu chỉ là một nhóm những người trẻ ở độ tuổi sinh viên quan tâm đến giáo dục, sau hơn 10 năm hoạt động, Vcil Community đã không ngừng thay đổi và thử nghiệm để hướng đến sứ mệnh kiến tạo một nền văn minh mới của mình. Vcil Community luôn thử nghiệm các sáng kiến khác nhau từ cách thức tổ chức, mô hình quản trị, đến cấu trúc tài chính, với mục tiêu gia tăng giá trị đóng góp cho cộng đồng. Bên cạnh cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo và trải nghiệm, chúng mình cũng liên tục tìm kiếm các hình thức hỗ trợ tài chính và tài trợ đa dạng để mở rộng cơ hội tiếp cận cho nhiều cá nhân có thể tham gia các chương trình.
Qua đó, chúng mình đã khởi xướng và vận hành 3 dự án/ sáng kiến giáo dục thay thế, 1 sáng kiến về du lịch tái tạo, kiến tạo một hệ sinh thái và mạng lưới trải dài từ Đông Nam Á, Đông Á đến châu Âu. Nhằm có những cuộc đối thoại có ý nghĩa với cộng đồng và chia sẻ những kinh nghiệm của mình, ngày 20.05 tại thành phố Hồ Chí Minh, Vcil Community đã tổ chức một buổi gặp mặt thân mật với những ai quan tâm đến Vcil Community để trò chuyện về hành trình đã qua; cũng như đặt câu hỏi và thảo luận về những câu chuyện liên quan đến giáo dục, kinh tế, sinh thái. Đây không chỉ là buổi chia sẻ đơn thuần, mà là không gian chung để tất cả mọi người cùng học tập ngang hàng, đóng góp kinh nghiệm, hiểu biết của mình.

Bài viết này chia sẻ một vài nội dung chính được thảo luận trong buổi gặp mặt này.
1. Câu hỏi: Vcil Community khởi sự như thế nào? Các bạn hoạt động ở nước ngoài trước, hay hoạt động ở Việt Nam trước rồi mở rộng sang nước ngoài?
Chúng mình bắt đầu những hoạt động đầu tiên ở Việt Nam trước. Khởi sự, bọn mình chỉ bao gồm những người trẻ ở lứa tuổi sinh viên. Thời điểm đó, các thành viên đã có cơ hội tiếp xúc với những tư duy phản biện, cấp tiến về các vấn đề cấp thiết của xã hội như giáo dục, kinh tế, bất bình đẳng xã hội, khủng hoảng sinh thái, tương lai thế giới,… Cũng trong thời gian này, các phong tài thiện nguyện hay hoạt động của các tổ chức phi chính phủ đang rất mạnh mẽ ở Việt Nam, nhưng lại thiếu những phong trào phản biện xã hội mang tính cấp tiến. Do đó, chúng mình muốn thúc đẩy các phong trào xã hội cấp tiến ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng mình gặp nhiều yếu tố không thuận lợi để phát triển. Ở Việt Nam, văn hoá trọng bằng cấp, tuổi tác, kinh nghiệm hay thiếu niềm tin ở người trẻ là những rào cản. Nhưng khi làm việc với các đối tác nước ngoài, họ không quan tâm các yếu tố trên, mà tập trung vào năng lực, giá trị của tụi mình nhiều hơn. Do đó, chúng mình chuyển phần lớn các hoạt động ra nước ngoài. Trong quá trình mở rộng mạng lưới quốc tế ở khu vực, chúng mình đã chọn những mentor có kinh nghiệm, nổi bật nhất trong những lĩnh vực giáo dục thay thế, tái hình dung về sự phát triển, hay kinh tế thay thế,… Điều này đã rút ngắn thời gian, đường đi và tiết kiệm nhiều công sức đi đến sứ mệnh Vcil Community hướng đến.
Trong những năm này, chúng mình tập trung vào các hoạt động kết nối người Việt Nam với các mô hình, sáng kiến và giải pháp ở nước ngoài, để truyền cảm hứng, kết nối quốc tế để họ có thể đóng góp vào những hoạt động ý nghĩa ở Việt Nam.
Những năm gần đây, Vcil Community mới bắt đầu quay trở lại hoạt động nhiều hơn ở Việt Nam để hợp tác, làm việc với các đối tác trong nước; kết nối các đối tác ở Việt Nam với mạng lưới đối tác quốc tế.
Chia sẻ thêm từ người tham dự: mình nhận thấy rằng thay đổi tâm thức của một người rất khó. Một mình mình thì không thể làm gì được. Mình cần có cộng đồng để tạo ra những tác động dài hạn, bền vững.
2. Câu hỏi: Tâm lý khi làm việc ở các NGO lớn khi làm các công việc thiện nguyện đó là phải có tiền thì mới làm, câu hỏi thường trực là “tiền đâu để làm…” Nếu không có tiền thì không làm. Còn tôi thấy các bạn ở Vcil Community thì xác định có muốn làm không, nếu có thì tìm cách thực hiện, tiền bạc sẽ là thứ được tính đến sau. Các bạn có thể chia sẻ thêm về góc nhìn về tiền bạc hay không?
Kinh nghiệm của tôi khi làm cộng đồng trước đây đó là có tiền thì mới làm, hết tiền thì dừng. Rồi hết tiền thì phải đi kiếm tiền. Nhiều khi kiếm tiền xong để hỗ trợ cộng đồng thì cộng đồng đã biến mất rồi. Chưa kể khi nhận tiền từ ai đó, thì họ có quyền tác động đến cách làm, mục đích, rồi mình phải báo cáo theo kiểu nhà tài trợ muốn nữa. Các bạn có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm quản lý tài chính của mình không?
XÁC ĐỊNH LẠI VAI TRÒ VÀ MỤC ĐÍCH CỦA TIỀN
Vcil Community luôn rất cẩn thận và ý thức về vấn đề tiền bạc, chúng mình đã nhận thấy nhiều vấn đề xuất hiện khi có sự tham gia của tiền. Điều này khiến chúng mình phải tư duy lại về vai trò của tiền và bản chất của nó. Trong đội ngũ nòng cốt, chúng mình luôn tự nhắc nhở lẫn nhau và đối thoại với cộng đồng về việc cần xây dựng mối quan hệ với tiền như thế nào, tâm thế cần có đối với tiền là gì.
Tiền nên chỉ là công cụ để phục vụ mục đích nào đó. Nếu quá tập trung vào tiền, ta dễ sa đà vào chuyện kiếm tiền, xa rời mục đích ban đầu, tức là dính mắc vào phương tiện mà quên đi mục đích.
Ở Vcil Community, chúng mình thực hành lối sống như những người tu hành. Một trong những mục đích đó là cải cách, tái lập mối quan hệ lành tính với tiền. Không ai trong đội ngũ nòng cốt nhận lương, và phải tự túc nhiều thứ. Mục đích để đảm bảo rằng những người làm việc ở đây thực tâm hướng đến sự phụng sự xã hội. Nhưng đổi lại, các thành viên sẽ nhận được những thứ phi tài chính khác: đồ ăn sạch, những mối quan hệ chất lượng, cơ hội học tập và phát triển bản thân, nhiều thử thách để phát triển mỗi ngày, sống có mục đích và lý tưởng,… Chúng mình cho rằng tiền vẫn quan trọng, nhưng nó vẫn là yếu tố phụ, đứng sau nhiều giá trị khác.
Tiền cần được xem là giá trị, cảm xúc hay dòng năng lượng. Do đó, chuyển hoá mối quan hệ với tiền cũng có nghĩa là thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về tiền, cảm xúc liên quan đến tiền hay tâm thức khi tương tác với tiền. Tiền cần được xem chỉ là công cụ, và tiếp cận nó dưới góc nhìn trung đạo: tránh bị phụ thuộc vào tiền quá nhiều, hay rơi vào thái cực né tránh tiền bạc hoặc xem tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Do đó, trong đội ngũ và cộng đồng của mình, Vcil Community cần phải xây dựng mối quan hệ lành tính với tiền thật rối ráo; để tránh phát sinh những vấn đề không mong muốn với tiền. Cho nên, chúng mình ưu tiền xây dựng văn hoá và giá trị nhân bản trước, và đặt tiền vào đúng vị trí chỉ là phương tiện trong sứ mệnh phụng sự thế giới.
Để tìm hiểu sâu hơn về tiền, tài chính cá nhân, bạn có thể tham gia khoá học về Tài chính cá nhân - Money IQ - Money EQ sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 tại TP.HCM tại đây
ĐỘC LẬP, TỰ DO - NỀN TẢNG CỦA HẠNH PHÚC
Vì vậy, độc lập và tự chủ là nguyên tắc vận hành cốt lõi của Vcil Community. Chúng mình ưu tiên sử dụng nguồn lực có sẵn để làm việc cần làm, và làm trong khả năng của mình để không bị quá sức. Mặc dù đã hoạt động hơn 10 năm, nhưng chúng mình vẫn còn rất nhỏ, vì chúng mình chủ trương đi sâu chứ không đi rộng. Vì nếu đi rộng thì vừa tạo áp lực, và có thể kết quả sẽ không như mong muốn. Vì tự thân nhiều, độc lập nhất có thể, chúng mình luôn phải sáng tạo nhiều phương pháp và cách làm việc trong công việc phụng sự của mình.
Sự độc lập này cho phép chúng mình có sự do nhiều nhất có thể trong các quyết định của mình. Chúng mình có thể chọn được đối tượng phục vụ phù hợp, khách hàng cùng giá trị, chọn đối tác làm việc có chung sứ mệnh và giá trị. Chúng mình có thể từ chối những cá nhân, đối tác không hợp giá trị. Nhờ vậy, chúng mình mới giữ gìn được những giá trị tạo nên sự tự do đó - đảm bảo các giá trị nhân bản, luật chơi – và phải đặt cao hơn các giá trị tài chính.
THỰC HÀNH CÁ NHÂN & ƯU TIÊN CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG
Về mặt cá nhân, Vcil Community thực hành lối sống tối giản, biết vừa đủ, ưu tiên chất lượng cuộc sống. Do đó, chúng mình quyết định chuyển đến sống ở Đà Nẵng, nơi chúng mình chi trả chi phí sống như thuê nhà, ăn thức ăn lành tính và dinh dưỡng, chất lượng không khí, tự nhiên,… đều thấp hơn và chất lượng tốt hơn so với những thành phố khác.
Chúng mình ưu tiên chất lượng cuộc sống, vì mục tiêu Vcil Community hướng đến là một xã hội có sự phúc lạc và tái tạo. Để hướng đến sứ mệnh đó, đội ngũ nòng cốt cần phải có được điều đó trước tiên. Cho nên, chúng mình đã chủ động lựa chọn lối sống có chất lượng cao với chi phí thấp. Chúng mình không lựa chọn một đời sống thiếu thốn, vì nó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sống; chúng mình không chọn đời sống quá dư giả vì lựa chọn này có thể dẫn đến việc lấy đi mất phần của người khác.
Chúng mình cũng ý thức đến việc chi trả công bằng. Chi trả công bằng chỉ diễn ra khi lựa chọn những sản phẩm chất lượng – vì những sản phẩm này đảm bảo về các chi phí môi trường, nhân công và nhiều yếu tố khác. Trong khi đó, những sản phẩm giá rẻ có thể không đảm bảo các yếu về chất lượng, môi trường, hay nhân công và làm giảm chất lượng, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sống của cả nhóm.
TẬN DỤNG NHỮNG NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH VÀ PHI TÀI CHÍNH: THE SOIL PROJECT GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH NHƯ THẾ NÀO?
Năm 2017, Vcil Community đã tổ chức một chuyến field trip kéo dài 19 ngày, đi qua 2 quốc gia là Cam-pu-chia và Thái Lan với chi phí chỉ khoảng 100$ một người. Kinh nghiệm này đã cho chúng mình một bài học sâu sắc: tiền không phải là vấn đề. Khi viết đề xuất dự án (proposal) cho The Soil Project, đi học, field trip ở nhiều nơi khác nhau được chú trọng. Thử nghiệm đầu tiên với chuyến đi 19 ngày kể trên đã chứng minh rằng làm được điều này hoàn toàn khả thi với chi phí thấp, thậm chí còn rẻ hơn chi phí sống ở Sài Gòn nhiều. Cho thấy ai cũng có thể làm được, chứ không chỉ riêng những người có nguồn lực tài chính mới có thể có được những trải nghiệm học tập đa quốc gia như vậy.
Thử nghiệm trên là bài học nhiều hơn về tư duy, tâm lý quan trọng hơn là sự giàu có về mặt tài chính. Nguồn lực vốn đa dạng và dồi dào hơn chỉ đơn thuần về tiền bạc. Trong quá trình phát triển mạng lưới, chúng mình đã nhận được những hỗ trợ khác nhau để chuyến đi tốn không quá nhiều tiền. Mỗi người đều hỗ trợ dự án một chút: nơi thì hỗ trợ chỗ ở và ăn uống, nơi thì hỗ trợ dạy miễn phí. Nhờ vậy, chúng mình mới có thể giảm chi phí xuống chỉ còn 100$ mỗi người cho chuyến đi 19 ngày.
Thay vì nhìn vào việc cần nhiều tiền, chúng mình nhìn vào những nguồn lực phi tài chính khác để thay thế cho các tài sản tài chính. Những tài sản phi tài chính mà mỗi người có thể có bao gồm mối quan hệ, kiến thức, thời gian, kinh nghiệm,… tất cả đều là tài sản và đều có thể biến tài tài sản tài chính được. Từ tài sản tài chính này, chúng ta lại sử dụng để làm giàu có hơn những thứ phi tài chính khác: kiến thức, kinh nghiệm, kĩ năng, mối quan hệ chất lượng… những thứ giúp chúng ta giàu đa chiều, hơn là chỉ giàu một chiều về mặt tài chính. Nếu chỉ chăm chăm kiếm tiền, thì ta dễ trở thành người nhiều tiền và nghèo đa chiều.
Một tư duy cốt lõi được chúng mình nuôi dưỡng đó là tập nhìn mọi thứ xung quanh dưới dạng nguồn lực đang có và có thể có, và sử dụng chúng để hiện thực hoá mục đích của mình.
Ở The Soil Project, người học không phải đóng học phí, còn lại các chi phí cá nhân thì phải tự chi trả. Khi đi học ở Thái Lan, chúng mình xin hỗ trợ về chỗ ở từ đối tác trong vòng 1 tháng. Một vài hoạt động đào tạo khác, mình được các bạn sinh viên năm cuối giảng dạy; còn chuyên gia chỉ cần gặp một vài buổi. Nhờ vậy chi phí đi học ở Thái Lan rất thấp. Và chúng mình giữ mối quan hệ với các đối tác Thái Lan đến tận bây giờ.
Giai đoạn đầu, người học ở The Soil Project còn tìm đến những nơi nguồn lực dồi dào nhưng chưa được tận dụng hiệu quả. Ví dụ chúng mình đã đến ở chùa trong một khoảng thời gian để học tập ở đây: học về giáo lí, tìm hiểu về văn hoá và bối cảnh miền quê, học về văn hoá trao tặng – nơi kinh tế thị trường chia xâm nhập vào.
Sau này, các mối quan hệ ở nước ngoài được chuyển thành mối quan hệ hợp tác được chuyển thành các khoá học để tạo thu nhập và tạo tác động.
TÓM TẮT: CHUYỂN HOÁ MỐI QUAN HỆ VỚI TIỀN, THỰC HÀNH LỐI SỐNG TIÊU DÙNG HỢP LÝ, THIỂU DỤC TRI TÚC, TĂNG THU NHẬP DỰA VÀO GIÁ TRỊ PHÙ HỢP
3. Thảo luận về tri thức, sở hữu trí tuệ và quyền tiếp cận cái chung
Tri thức là tài sản tích lũy qua nhiều thế hệ, được hình thành từ sự đóng góp của nhiều người trong nhiều thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay, tri thức lại thường bị tập trung vào tay một số cá nhân hay tập đoàn thông qua hệ thống sở hữu trí tuệ, khiến việc tiếp cận và chia sẻ trở nên khó khăn, đặc biệt đối với những người không có nhiều tiền. Ví dụ điển hình là sách hay công nghệ xử lý rác – những thứ lẽ ra có thể được chia sẻ rộng rãi để phục vụ cộng đồng, nhưng lại bị giới hạn bởi bản quyền.
Một trường hợp đáng quan ngại khác là hạt giống – một tài nguyên tự nhiên, được lưu truyền qua nhiều thế hệ nông dân. Ngày nay, nhiều tập đoàn đã độc quyền hóa hạt giống, biến nó thành tài sản riêng. Thậm chí, ở một số nước như Mexico hay Philippines, việc nông dân tự lưu trữ và chia sẻ hạt giống bản địa có thể bị xem là vi phạm pháp luật. Tại Việt Nam, luật về quyền sở hữu hạt giống chưa quá chặt, nhưng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thúc đẩy quá trình siết chặt này, tạo điều kiện để các tập đoàn sở hữu độc quyền giống cây trồng.
Hiện tại, khoảng 90% rau củ ở Việt Nam đến từ giống lai (hybrid) – loại hạt giống không thể tự tái sinh, buộc nông dân phải mua lại sau mỗi mùa vụ. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc vào các tập đoàn, đồng thời đe dọa quyền tự chủ lương thực và làm suy giảm đa dạng sinh học trong nông nghiệp. Trong khi đó, nhiều cộng đồng địa phương vẫn đang âm thầm gìn giữ, lưu trữ và chia sẻ hạt giống bản địa qua nhiều thế hệ. Chính từ quá trình này, nhiều loại hạt giống mới được hình thành, mang tính cộng đồng – hay còn gọi là “cái chung” (the commons).
Cái riêng – cái chung và sáng tạo tri thức cộng đồng
Câu chuyện hạt giống phản ánh một vấn đề lớn hơn: làm sao để phân định rạch ròi giữa cái riêng (cần được bảo hộ đúng cách) và cái chung (cần được chia sẻ để phục vụ cộng đồng). Những nền tảng như Unikey hay Wikipedia, với tinh thần mã nguồn mở, là ví dụ tiêu biểu cho cách tiếp cận tri thức như một tài sản chung. Chúng cho thấy nhiều người sẵn sàng đóng góp, chia sẻ, và phục vụ cộng đồng – xuất phát từ lòng tin vào con người, vào sự rộng lượng và tinh thần cho đi.
Trái lại, tư tưởng ích kỷ và độc quyền hóa tri thức là đặc trưng của chủ nghĩa tân tự do, nơi mọi người bị trói buộc trong một hệ thống khiến họ khó có thể làm điều tốt, dù có ý muốn. Vì vậy, phong trào Copy Left, hay những mô hình khuyến khích chia sẻ tri thức và sáng tạo tập thể, là những hướng đi quan trọng giúp cộng đồng trở nên giàu có về tri thức và sáng tạo hơn nữa.
Thay đổi từ hệ thống: cần một cách tiếp cận hai chiều
Luật sở hữu trí tuệ có thể đóng vai trò tích cực nếu được áp dụng đúng chỗ, đúng lúc – để bảo vệ cá nhân, cộng đồng, chứ không phải phục vụ các tập đoàn lớn. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa và việc gia nhập các FTA đang đẩy Việt Nam (và nhiều quốc gia khác) vào thế yếu. Một số điều khoản trong các FTA, như ISDS - Investor–state dispute settlement (cơ chế cho phép doanh nghiệp kiện chính phủ), thậm chí trao cho tập đoàn quyền lực vượt trên cả nhà nước. Điều này khiến những chính phủ muốn thực thi chính sách tốt vì cộng đồng cũng gặp nhiều rào cản pháp lý.
Do đó, thay đổi từ top-down (thay đổi luật và chính sách) là cần thiết nhưng cần nhiều thời gian và nỗ lực chính trị. Giải pháp sâu xa nhất vẫn là thay đổi luật chơi – tức là cải cách hệ thống luật sở hữu trí tuệ sao cho cân bằng giữa bảo vệ sáng tạo cá nhân và giữ gìn những giá trị chung của cộng đồng.
4. Liệu Vcil Community có “đi ngược dòng?”: Đi ngược để thuận theo tự nhiên
Nhiều người nói Vcil “đi ngược dòng”. Nhưng chúng mình không nghĩ mình đi ngược với số đông – mà là thuận theo tự nhiên, và vì vậy, có khi phải đi ngược với đám đông.
Bởi không phải cái gì số đông đang làm cũng là điều tự nhiên, đúng đắn hay bền vững. Nhiều hệ thống lớn đang tồn tại vì quán tính, chứ không phải vì còn phù hợp. Từ khủng hoảng sinh thái đến bất bình đẳng toàn cầu – tất cả đều cho thấy chúng ta cần một hướng đi khác.
Vượt ra khỏi GDP – đo lường lại những gì thực sự quan trọng
Thế giới đang dần nhận ra rằng GDP không thể là thước đo duy nhất cho sự phát triển. Nó không nói gì về sức khỏe tinh thần, chất lượng sống, sự kết nối cộng đồng hay sự bền vững sinh thái.
Nhiều quốc gia tiên phong như New Zealand, Ireland, và cả một số nhóm cấp tiến trong Liên Hợp Quốc đang thúc đẩy những chỉ số “beyond GDP” – như chỉ số hạnh phúc, chỉ số an sinh (wellbeing), hoặc phát triển bền vững.
Đây là một tín hiệu đáng mừng – nhưng sự chuyển đổi không thể chỉ đến từ trên xuống. Những thay đổi thực sự bắt đầu từ dưới lên, từ cộng đồng, từ chính những người đang sống và hành động mỗi ngày.
Hệ thống hiện tại: được thiết kế để phục vụ quyền lực, không phải sự sống
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản tài chính và chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) đã thúc đẩy tư nhân hóa, trao quyền cho các tập đoàn – không phải chính phủ. Và khi các quốc gia phải “năn nỉ” tập đoàn đầu tư vào đất nước mình, thì vai trò của nhà nước và cộng đồng bị đẩy lùi.
Hệ thống này không sụp đổ trong một đêm – nó “rò rỉ” từ từ, thông qua bất bình đẳng, khủng hoảng môi trường, và khủng hoảng ý nghĩa sống.
Nhưng nếu nhiều người cùng tỉnh thức, cùng chọn những hành động nhỏ hằng ngày – như mua thực phẩm địa phương thay vì đồ nhập khẩu, hỗ trợ người bán hàng xóm thay vì trung tâm thương mại, gửi tiền vào quỹ cộng đồng thay vì ngân hàng đầu cơ – thì chúng ta đang tạo nên một mạng lưới thay thế.
Khởi nghiệp: Không phải để làm giàu, mà để tạo ra hệ sinh thái mới
Giáo dục hiện tại đang “phổ cập tinh thần khởi nghiệp” theo hướng thi đua làm giàu, nhưng lại không thay đổi hệ thống đo lường, không nuôi dưỡng tinh thần doanh chủ. Chúng ta đang cố nhét khởi nghiệp vào chiếc bình cũ kỹ của giáo dục, nơi mọi thứ vẫn xoay quanh điểm số, sự phục tùng, và nỗi sợ thất bại.
Nhưng khởi nghiệp thực sự không bắt đầu bằng kiến thức – mà bắt đầu từ nỗi đau, sự lo lắng, khát khao và lòng dũng cảm. Nó đòi hỏi hệ sinh thái học tập nơi mà vai trò học sinh – giáo viên – xã hội đều được định nghĩa lại.
Khởi nghiệp kiểu Vcil không nhắm tới lợi nhuận tối đa – mà nhắm tới giải quyết các vấn đề xã hội, tạo ra sự công bằng, và hài hòa với tự nhiên. Chúng mìnhtin rằng: để tương lai tồn tại, phải đưa nhiều bên liên quan cùng tham gia – từ cộng đồng, doanh nghiệp nhỏ, thế hệ trẻ, đến cả tự nhiên và thế hệ chưa ra đời.
Đi chậm để đi xa – sống theo cách khác, tổ chức theo cách khác
Những hệ thống thay thế không thể được tạo ra trong một đêm. Nhưng khi mỗi người dám sống thật – dám hành động nhỏ theo niềm tin của mình, thì sẽ có đủ người để hình thành những tổ chức mới, cộng đồng mới, nền kinh tế mới.
Ở Hàn Quốc, tốc độ phát triển quá nhanh đã khiến cả một thế hệ trẻ không còn mơ nổi đến việc mua nhà. Điều đó nhắc chúng ta rằng phát triển không phải là chạy nhanh, mà là đi đúng hướng.
Một nền kinh tế mới sẽ không dựa trên việc rút cạn tài nguyên, bóc lột con người hay loại trừ cộng đồng yếu thế. Nó sẽ được xây dựng bởi những người tiêu dùng có trách nhiệm, những nhà sản xuất tử tế, những doanh nghiệp không sa thải vô tâm – và những cộng đồng không bỏ rơi lẫn nhau.
-----
TỔNG HỢP CÁC KÊNH TRUYỀN THÔNG VÀ SỰ KIỆN/HOẠT ĐỘNG SẮP TỚI CỦA VCIL COMMUNITY
Kết nối với chúng mình qua các kênh truyền thông: Zalo, Facebook, Website, Substack và cập nhật các hoạt động hàng tháng và các chương trình sắp tới tại: https://linktr.ee/vcilcommunity
Thông tin liên hệ:
- Facebook: Vcil Community
- Whatsapp/Phone/Zalo: 0768217586 (Vũ) hoặc 0918580257 (Trinh)
- Email: vcil.group@gmail.com
Comments