top of page

“MỘT CÁ NHÂN CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ KIẾN TẠO MỘT NỀN KINH TẾ CÓ Ý NGHĨA HƠN?” ĐỐI THOẠI VỀ KINH TẾ THAY THẾ VỚI CỘNG ĐỒNG VŨNG TÀU THÔNG QUA PHIM TÀI LIỆU “OUTGROW THE SYSTEM"

Updated: Jun 3

1. Giới thiệu


10 ngày cùng học tập, làm việc và dấn thân cùng cộng đồng Go Live Love

Vcil Community, The Soil Project đã kết hợp với cộng đồng Go Live Love tại Vũng Tàu để khởi hành một hành trình đặc biệt kéo dài 10 ngày (từ ngày 08 - 18/05) – nơi học tập, lắng nghe, trải nghiệm, dấn thân, kết nối và kiến tạo cộng đồng diễn ra song song, xuyên suốt và không ranh giới.


Trong 10 ngày này, chúng tôi đã đồng kiến tạo nên một không gian lành tính, cởi mở để có những cuộc đối đối thoại về sự tái tư duy và tái hình dung giáo dục, tiền bạc, hay kinh tế. Cùng nhau, mỗi người đồng hành cùng dấn thân để tìm chính mình, và cả cộng đồng cùng đi tìm hướng sống mới: sâu sắc hơn, lành mạnh hơn, tử tế và mang tính tái tạo.


Vào tối ngày 17/05, tại không gian chung Cỏ biển Spaces của cộng đồng ở Vũng Tàu, chúng tôi đã cùng nhau xem bộ phim tài liệu “Outgrow the system”. Bộ phim khám phá cách chúng ta có thể quay trở lại bản chất của thuật ngữ “Kinh tế - Economy” và hướng đến tái thiết kế một hệ thống kinh tế quản lý có trách nhiệm các nguồn tài nguyên khan hiếm của chúng ta; hướng đến phục vụ cho sự phúc lạc của con người và sự tái tạo hệ sinh thái. 



Đây cũng là cơ hội để người tham gia cùng thảo luận và tái hình dung cách nền kinh tế vận hành, thúc đẩy sự chuyển đổi hệ thống và cách mỗi cá nhân có thể tham gia vào tiến trình thay đổi đó theo một cách thực tiễn và có tác động.


2. Nội dung thảo luận

2.1 Nội dung được thảo luận sau bộ phim

Bộ phim này chính là không gian để mọi người cùng nhau thảo luận về cách một nền kinh tế vận hành. Bằng cách nhìn lại cấu trúc, mục đích và những vấn đề mà nền kinh tế hiện tại tạo ra, người tham dự bắt đầu thảo luận về các vấn đề hiện hữu mang tính hệ thống và đưa ra những giải pháp từ nhiều cấp độ khác nhau: cấp độ cá nhân, cộng đồng, tổ chức.


MỘT CÁ NHÂN CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ KIẾN TẠO MỘT NỀN KINH TẾ CÓ Ý NGHĨA HƠN?


Ở cấp độ cá nhân, mỗi người có thể thay đổi lối sống và cách làm việc của mình. Mỗi người có thể tiêu dùng sản phẩm mang tính địa phương, hướng đến dòng tiền được lưu thông ở địa phương; không hoặc hạn chế sử dụng các sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia. Chia sẻ với những người xung quanh và với cộng đồng của mình về địa phương hoá, ủng hộ kinh tế địa phương và lan tỏa những cách tiếp cận đó đến nhiều người hơn. 

Chúng ta có thể kiểm soát được sản phẩm mình tiêu dùng, mình có thể sàng lọc được những sản phẩm mình mua vào, cách mình sử dụng và chi tiêu đồng tiền của mình. Bằng cách ý thức hơn về cách mình sử dụng tiền, chúng ta có thể tạo ra những tác động tích cực tới xung quanh.


Bộ phim có đề cập đến thực trạng 6 giới hạn sinh thái của hành tinh đã bị vượt qua, trực tiếp ảnh hưởng chất lượng của sống của hàng triệu người trên thế giới - những người đang sống thiếu những nhu yếu căn bản. Trong khi đó nhiều người lại sử dụng quá nhiều tài nguyên của trái đất với nhiều căn nhà, biệt thự, những chiếc chuyên cơ riêng,... Điều này nhắc nhở chúng ta cần nhìn nhận lại lối sống của mình, sử dụng vừa đủ, để không tiêu dùng quá nhiều, có thể dẫn đến lấy mất phần của người khác. 


NỀN KINH TẾ PHỤC VỤ PHỤC LẠC VÀ SỰ TÁI TẠO SẼ KHÁC NỀN KINH TẾ TƯ BẢN NHƯ THẾ NÀO?


Ở cấp độ tổ chức và cộng đồng, chúng ta cần nhìn nhận lại về quyền sở hữu, cách quản trị, mục đích hoạt động, ai là người hưởng lợi ở tổ chức/doanh nghiệp/cộng đồng của mình. Nhiều mô hình thay thế cũng được gợi ý trong bộ phim, như doanh nghiệp do nhân viên làm chủ (employee-owned company). Trong mô hình thay thế này, người làm cũng chính là người làm chủ doanh nghiệp. Động lực làm việc, do đó, vừa đến từ lý do cá nhân, vừa hướng đến mục tiêu chung. 


Cấu trúc này cũng cho phép những quyết định về sinh thái và phúc lợi được cân nhắc nhiều hơn. Trong bộ phim có chia sẻ một đoạn: “công ty do người dân địa phương làm chủ sẽ vận hành và đưa ra quyết định khác đi so với một doanh nghiệp do những người ở cách xa đó hàng trăm ki-lô-mét làm chủ. Họ sẽ phải cân nhắc nhiều hơn về quyết định xả thải ra con sông - nơi người dân (người làm chủ công ty) đưa con cái của họ đi bơi mỗi cuối tuần.”


Điều này cũng giúp yếu tố công bằng được bảo đảm, khi những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những quyết định tài chính, xã hội, môi trường của doanh nghiệp, cộng đồng đều có tiếng nói. Vì thông thường, các doanh nghiệp thường đưa ra các quyền định ở trong các phòng họp kín, nơi thế hệ tương lai, sinh thái, cộng đồng được phương không được cân nhắc đến. 


Ở cấp độ lớn hơn, sự bất bình đẳng được tạo ra từ chính cấu trúc của hệ thống kinh tế - tài chính hiện tại. Trong các doanh nghiệp truyền thống, lợi ích về mặt tài chính sẽ tập trung lớn nhất dành cho cổ đông và những người quản lý doanh nghiệp đó. Bộ phim đã chỉ ra sự bất bình đẳng này thông qua sự chênh lệch mức lương: ở Thuỵ Điển, lương của một CEO có thể nhiều hơn lên tới 60 lần so với một nhân viên có lương thấp nhất.


SUY NGHĨ LẠI VỀ TÀI SẢN ĐÍCH THỰC LÀ GÌ?

Trong hành trình 10 ngày ở Vũng Tàu, chúng tôi có thảo luận về bản chất của tiền thông qua việc tìm hiểu về lịch sử của tiền. Kể từ khi tổng thống Nixon bãi bỏ chế độ bản vị vàng vào năm 1971, tiền trở thành một tờ giấy không hơn không kém - thứ chỉ được bảo chứng bởi niềm tin vào đồng dollar và sức mạnh của nước Mỹ. Hay nói cách khác, tiền chỉ là ảo ảnh, là một thứ không có thật do con người tạo ra. 


Chúng ta nên sử dụng tiền, một loại tài sản ảo, như là một công cụ để xây dựng tài sản đích thực - những thứ bảo chứng cho sự hạnh phúc, bền vững trong cuộc sống chúng ta. Đó là những mối quan hệ chất lượng, sức khoẻ, niềm tin, kiến thức, kĩ năng, thực phẩm sạch,... Điều đáng tiếc là, nhiều người lại làm ngược lại: đánh đổi thời gian, sức khoẻ, mối quan hệ gia đình để đổi lấy một thứ tài sản ảo ảnh là đồng tiền.


Bộ phim này cũng là một lời nhắc nhở chúng ta nên sử dụng tiền để xây dựng tài sản đích thực, tạo nền tảng cho một đời sống có chất lượng, hạnh phúc. Hãy dùng cái giả để xây dựng cái thực!


Chúng ta có nhiều quyền lực trong việc đưa ra những quyết định ủng hộ điều gì. Mỗi lựa chọn tiêu dùng chính là một lựa chọn mang tính kinh tế và chính trị trong đời sống hằng ngày. Do đó, chúng ta có thể nghĩ đến những người yếu thế nhiều hơn trong các quyết định hằng ngày. Chi tiêu nhiều hơn cho những người anh em, hàng xóm. Cho vay, đầu tư nhiều hơn vào nền kinh tế thực. Ủng hộ những hoạt động kinh doanh do người thân, hay người dân địa phương vận hành.


Mọi người cho rằng đây là một trong những cách thiết thực nhất để thể hiện lòng yêu nước của mình. Đó là giúp đỡ cộng đồng địa phương trở nên giàu có hơn. Ủng hộ những sáng kiến, mô hình kinh doanh mang tính tái tạo, khôi phục và tái tạo lại tài sản đích thực là những con sông, cánh rừng, mảnh đất, văn hoá, truyền thống, sự hào sảng, chia sẻ và phụng sự cộng đồng.


NỀN KINH TẾ MỚI ĐẾN TỪ NHỮNG LỰA CHỌN KHÁC ĐI

Nền kinh mới chỉ xuất hiện khi ta thiết kế hệ thống khác đi. Đó là việc phân chia lợi nhuận khác đi. Mục đích vận hành của tổ chức, doanh nghiệp khác đi. Cách đưa ra quyết định khác đi. Đồng thời, chúng ta cần tạo ra nhiều không gian để có những cuộc đối thoại tư duy lại về kinh tế. Chỉ cần thay đổi về mặt cấu trúc, mục đích, cách vận hành, sự thay đổi mang tính hệ thống sẽ xuất hiện.


Ở cấp độ cá nhân, chỉ cần chúng ta ưu tiên mua hàng ở địa phương, ở chợ, ủng hộ hàng xóm, thì đây là một cuộc cách mạng. Sử dụng tiền và kiếm tiền khác đi là đủ để dịch chuyển sang một nền kinh tế mới.


2.2 Chia sẻ sau khi xem phim của người tham dự:



“Mình cảm thấy tin tưởng mọi người hơn, và muốn trao quyền nhiều hơn trong cộng đồng, nhóm mà mình tham gia.”
“Trước đây mình tự hỏi không biết mình có bị đóng khung trong một hệ thống/cách tư duy nào đó mà mình không nhận ra hay không. Trước đây mình chỉ thấy những hiện tượng bề mặt, chứ không thấy được những yếu tố sâu hơn về mặt hệ thống.”
“Mình nhận ra là về quê nuôi cá trồng thêm rau thì mới là sự an toàn thực sự. Tự chủ lương thực mới là sự tự chủ đích thực.”
“Mình thấy kinh tế giờ gần mình hơn. Mình nhận ra rằng tự chủ và ít phụ thuộc bên ngoài, tự chủ lương thực vẫn là thượng sách.”

Kommentarer


bottom of page